Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

10 bài học lãnh đạo từ Tổng thống Abraham Lincoln

Cả cuộc đời tổng thống Abraham Lincoln là một cuốn sách mà ở đó người ta khám phá ra vô vàn các bài học về lãnh đạo



Có lẽ không nhiều người biết rằng, từ một người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội, có tuổi thơ nghèo đói, không được học hành nhiều, Abraham Lincoln trở thành một trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ. Nguồn gốc sâu xa của những thành công ấy chính là quá trình tự rèn luyện của ông trong suốt cuộc đời.
Cả cuộc đời tổng thống Abraham Lincoln là một cuốn sách mà ở đó người ta khám phá ra vô vàn các bài học lãnh đạo, để biến mình trở thành người đứng đầu được nhiều người ngưỡng mộ và tôn trọng. Điều gì khiến cho Lincoln có thể lôi kéo tất cả các đối thủ của ông vào trong một một nhóm? Dưới đây là 10 bài học lãnh đạo được đúc kết từ cuộc đời ông.
1. Lắng nghe quan điểm của tất cả các bên
Một ví dụ rất điển hình, vào năm 1861, Mỹ xảy ra Nội chiến. Đó là cuộc chiến giữa miền Nam và miền Bắc kéo dài đến năm 1865 mới kết thúc. Mặc dù là người miền Bắc, nhưng ông vẫn thấu hiểu tình cảnh khổ cực của nhân dân miền Nam, chính từ sự thấu hiểu đó, ông đã nhanh chóng chiềm được cảm tình của nhân dân miền Nam và ổn định được tình hình, sự thấu hiểu đó bắt nguồn từ sự lắng nghe – thói quen đã trở thành cố hữu của ông, ông lắng nghe mọi tù binh miền Nam tâm sự, lắng nghe cả những chỉ trí của các vị tướng miền Nam.
Như Henry Davi Thorea từng nói: “Để nói sự thật, bạn phải mất hai lần. Một lần để nói và một lần để lắng nghe”. Để người khác nghe bạn và khơi dậy được cảm xúc ở nơi họ, hãy tìm hiểu xem đối tượng mà mình nhắm tới là ai. Muốn vậy, chỉ có cách duy nhất là lắng nghe. Hiểu rõ họ chính là hiểu rõ những gì mình sẽ nói và nắm được phần trăm thành công của bài diễn thuyết. Mặt khác, có thấu cảm với họ, mới hiểu được tại sao mọi người lại làm cái điều mà chúng ta không đồng tình.
2. Biết thư giãn để lấy lại năng lượng
Trong trường hợp của Lincoln, mặc dù trong lúc Nội chiến ở thời điểm khốc liệt, song ông vẫn đi tới nhà hát khoảng 100 lần. Trong các cuộc họp Nội các đầy căng thẳng, người kể những câu chuyện cười hài hước để cuộc họp bớt căng thẳng, không ai khác, cũng chính là ông.
Không chỉ Lincoln, Roosevelt cũng vậy. Trong khi chiến tranh thế giới hai đang diễn ra khốc liệt và đầy căng thẳng, vẫn có lúc, ông dành hàng giờ liền để tự pha cocktail. Những lúc như vậy, ông đề ra một quy tắc rằng: những người tham dự không được phép nói bất cứ điều gì về chiến tranh. Thay vào đó, họ thảo luận về những cuốn sách và các hoạt động nghỉ ngơi thư giãn khác.
3. Khi mắc lỗi, dũng cảm nhận lỗi và rút ra bài học từ những lỗi lầm ấy
Khi đã mắc lỗi, dừng tìm cách trốn tránh nó, chỉ kiến moij thứ tồi tệ hơn mà thôi. Việc sửa chữa khuyết điểm phải diễn ra càng sớm càng tốt. Đây là điều mà Lincoln đã thực sự làm tốt và ông luôn là tấm gương thực sự. Chính điều này khiến những người đồng minh và những đối thủ của ông cũng phải khâm phục và kính trọng ông.
Khi ông tức giận, ông thường viết một bức thư thật gay gắt kịch liệt. Rồi cũng chính ông là người đầu tiên quên nó đi và không bao giờ gửi.
4. Đừng tham lam vinh quang
Lincoln biết rằng ông sẽ không thể hoàn thành công việc và tất cả mọi thứ nếu như không có sự giúp sức của Nội các và các nhân viên dưới quyền. Chính vì vậy, khi thành công, ông đều chia sẻ vinh quang, vinh dự cho những người cộng sự của mình.
5. Hãy trao cơ hội cho tất cả mọi người
Lincoln có một cách dụng người rất đặc biệt. Nếu ông có một điểm yếu nào đó, ông sẽ chọn một người giỏi về lĩnh vực đó để làm đối trọng. Ông luôn đưa tất cả các đối thủ của mình vào làm việc trong Nội các do ông lãnh đạo. Ông đã thực hiện điều này với Edwin M. Stanton, người công khai coi thường ông trên báo chí. Ông đề bạt Stanton lên làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh bởi vì ông cảm thấy rằng Stanton là người thích hợp nhất với công việc và cương vị này mặc dù Stanton cũng không thích ông cho lắm.
Với Lincoln, bất cứ ai cũng có thể được ông chỉ định vào một chức vụ nào đó nếu khả năng của họ là xuất sắc trong lĩnh vực đó.
6. Luôn lạc quan và bình tĩnh trong khủng hoảng
Bất cứ khi nào có một điều tồi tệ nào đó xảy ra trong cuộc Nội chiến, Lincoln đều đến chơi, thăm hỏi để động viên tinh thần anh em binh lính. “Nêu gương là thứ có hiệu quả và sức thuyết phục mạnh nhất" - Kearns Goodwin từng nói như vậy. Vì bạn là lãnh đạo, nên chính trong những thời điểm cam go và khó khăn nhất, hãy để cho cấp dưới và những người đi theo bạn nhìn thấy bạn. Tinh thần và thái độ của bạn lúc đó như thế nào sẽ quyết định tinh thần của cả tập thể.
7. Kiểm soát và làm chủ thời gian
Thường sau khi nhận được những phàn nàn hay những góp ý của công chúng, Lincoln sẽ thay đổi các chính sách cho phù hợp. Sau khi tham khảo thái độ, phản ứng của nhân viên và những cộng sự của bạn, hãy đưa lựa chọn thật chính xác khi nào nên tuyên bố quyết định thay đổi, khi nào nên đưa ra cách thức mới để tiến hành công việc mà bạn đang làm.
8. Luôn dùng ví dụ để minh họa các vấn đề khi nói
Lincoln thường dành nhiều ngày để chuẩn bị các bài phát biểu và viết thư. Ông cố sử dụng càng nhiều ví dụ càng tốt, mà những ví dụ đó đều là những điều gần gũi trong cuộc sống thường ngày. Như vậy, người nghe có thể liên hệ liên tưởng và hình dung vấn đề tốt hơn.
9. Hãy là nhà diễn thuyết bậc thầy
Theo ông, để thuyết phục người nghe, chỉ nói đúng thôi chưa đủ. Tất cả những con số, sự kiện quan trọng sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không biết gắn nó vào những điều gần gũi và đơn giản hơn. Do vậy để trở thành lãnh đọa, trước tiên hãy là nhà diễn thuyết bậc thầy để có thể mê hoặc hay thuyết phục cả đám đông.
10. Nhận trách nhiệm về những sai lầm của cấp dưới
Lincoln biết rằng ông là lãnh đạo và là vị chỉ huy của cả một tập thể. Chính vì vậy, ông nhận trách nhiệm một cách tự nguyện cho những gì mà nhân viên của ông đã gây ra. Đó là phẩm chất của người lãnh đạo vĩ đại, luôn đứng mũi chịu sào mọi vấn đề.
    Phạm Thế Mạnh

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Sài Gòn, vương quốc các món ăn vặt

Sẽ rất hứng thú lúc bạn quyết định đi lang thang cả ngày giữa Sài Gòn, đi theo hình ảnh mát ngọt ly nước mía, tiếng chuông mát lạnh xe cà rem; đi theo những cuộn khói ngào ngạt của gánh bún riêu, chõ xôi nếp cẩm, nếp than, đi theo nguồn gió mùi nước cốt dừa thơm phức chuối nướng, bánh da lợn, bánh đậu xanh, bánh khoai mì nướng...

Sẽ rất hứng thú lúc bạn quyết định đi lang thang cả ngày giữa Sài Gòn, đi theo hình ảnh mát ngọt ly nước mía, tiếng chuông mát lạnh xe cà rem; đi theo những cuộn khói ngào ngạt của gánh bún riêu, chõ xôi nếp cẩm, nếp than, đi theo nguồn gió mùi nước cốt dừa thơm phức chuối nướng, bánh da lợn, bánh đậu xanh, bánh khoai mì nướng...




Có khi trong đêm khuya mưa dầm rả rích, bụng không đói nhưng thèm ăn, bạn lên tiếng gọi người bán bánh giò bánh chưng, khô mực, khô ruột vịt. Rồi chốc chốc lại để lòng lắng nghe tiếng rao lanh lảnh mà dịu dàng: “Ai ăn chè đậu-xanh-bột-khoai- bún-tàu-nước-dừa-đường-cát hôn!”.
Đi theo các món ăn vặt đó là di cư trở về với chính mình, là giữ trọn vẹn khẩu vị quà vặt đã thấm đậm qua năm tháng tuổi thanh xuân. Không có sức sống nào bền bỉ bằng hương vị quà vặt, không có tình người nào bằng chuyện chia sẻ với hoàn cảnh sống của những gánh hàng rong. Nền nếp văn hóa của người Sài Gòn đã phát xuất từ cảm thức cộng đồng bình dị đó.
Các món ăn vặt có thể tạm chia ra làm hai loại. Loại không chấp nhận chế biến, các món quà vặt loại này chỉ tin và trao thân cho lửa. Và khi trao mình cho lửa (luộc, nướng) những sản vật như khoai, bắp, chuối, trở thành món ăn “tiền sử” ngon ngọt lạ thường!
Tôi tin rằng mỗi củ khoai lùi, trái bắp luộc, trái chuối nướng là một con đường, thuộc về những con đường tìm về gốc cội dân tộc.


Từ Canada, hai vợ chồng ông P. về ngụ ở nhà một người bà con xa ở quận 5. Tiếp chúng tôi, hai vợ chồng già có hơn 40 năm sống ở nước ngoài vừa trò chuyện vừa ăn những thứ quà vặt bày trên cái bàn gỗ mặt vuông cũ.
Bà P. đưa bàn tay có màu da trắng của dân xứ lạnh, bốc một nắm đậu phộng nấu mời chúng tôi ăn. Bà nói: “Nói ra thì mang tội với ông bà, chứ cái hối thúc tôi về Việt Nam thật ra là những thứ này!”.
Những thứ quà vặt mà bà nói chẳng có gì quý giá bởi ai cũng biết đó là những món ăn của phường bán dạo ở mọi ngõ ngách Sài Gòn.
Không ai có thể thống kê nổi số lượng những món ăn vặt của Sài Gòn. Có những món ăn mang gốc gác xa xưa như cháo đậu, bắp giã, bánh canh ngọt, bánh gói, bánh tai yến, bánh neo, kẹo gừng, kẹo đục, bông cỏ, sương sa hột lựu...
Với tôi, về với truyền thống dân tộc bằng lối đi xuyên qua những con đường làng nho nhỏ bán quà vặt có vẻ chắc ăn hơn là đi trên các con đường lớn của mọi thứ lý thuyết dân tộc học. Những món ăn loại này tuy thô mộc nhưng luôn nặng tình, luôn gợi nhớ về những ký ức cơ khổ, nhớ đến ông bà, cha mẹ, bạn bè, bà con hàng xóm thậm chí có khi nhớ cả những người thân đã khuất bóng từ rất lâu!


Trong các món quà vặt qua chế bến, có món chỉ cần làm sơ sơ rồi ăn mà vẫn khoái khẩu như gỏi cuốn, chuối chiên, các loại khô...; có món phải gia công nhiều hơn như các loại bánh. Riêng món bánh lọt đúng kiểu Cần Thơ thì quả là tinh tế vô cùng. Bà Ba Tốt ở chợ nhỏ trên đường Hậu Giang (quận 6) làm bánh lọt bán mỗi ngày với công phu như sau:
Chọn gạo nở ngâm với tro cây gòn xứ Cần Thơ và vôi hiệu Càn Long, theo bà nhất thiết phải đúng là loại tro ấy và loại vôi ấy bánh mới ngon.
Ngâm gạo một đêm, hôm sau phải gạn nước liên tục sao cho gạo hết mùi tro và vôi mới đem đi xay thành bột. Bột thấm nước tro và vôi trở nên trong, dai, giòn mà không cần dùng hàn the. Rồi bà giã lá dứa trộn vào để bột có cái sắc xanh ngọt mát rượi.
Nhưng ngon lành hơn hết là lúc bột bánh vừa được bà ép, đập xuống cái rây để bột lọt xuống thau nước lạnh thành thứ bánh lọt có hình những giọt nước trong veo màu xanh cẩm thạch. Bánh lọt của bà ăn với nước đường cát trắng và nước cốt dừa sống. Ăn lạnh hay ăn nóng đều ngon. Tôi cam đoan bánh lọt và quy trình chế biến món ăn này của bà Ba Tốt chính là một phần tinh hoa đã mất của các món quà vặt dân gian.


Quà vặt! Có dân ở đâu ăn vặt bằng dân Sài Gòn không? Có dân tộc nào chí thú sáng chế các món quà vặt bằng người Việt không? Tôi nói mà không sợ mếch lòng rằng, người Việt mình không chỉ có cái miệng hay cười hồn hậu, cái miệng của mỗi chúng ta còn hiện hữu để ăn quà vặt. Lúc nghèo thì dựa vào bột gạo, bột nếp làm ra các món bánh bò, bánh bột chén, bánh khọt, bánh căn...
Lúc làm ăn khấm khá thì bày ra gỏi cuốn, bì cuốn, gỏi khô bò... Các họ quà vặt như họ bánh, họ gỏi, họ chè, họ kẹo... mỗi họ đều có gia phả rõ ràng và đều có chung hoàn cảnh sinh ra từ nhà nghèo, từ chuyện ăn cho đỡ đói, đỡ thèm để có sức ham công tiếc việc, đến khấm khá phát lên thành món ăn của tầng lớp gia thế, phú quý. Thành ra cái chuyện ngành du lịch tổ chức chợ mua gánh bán bưng quà vặt ở các khách sạn - nhà hàng quốc tế tiêu chuẩn năm sao là chuyện thường, nghe nói ngày xưa quà vặt còn là một trong những món tiến vua.
Trở về vương quốc quà vặt, chính là chúng ta về với khẩu vị đa dạng - phong phú đến tuyệt vời. Mỗi khoảnh khắc trở lại vương quốc này là mỗi khoảnh khắc chúng ta dịu dàng xác định: Vương quốc đó được hình thành từ chất béo nước cốt dừa, chất bùi của các thứ bột, chất ngọt của các thứ đường, chất mặn-đắng-chua-chát-cay-khét của vô số phẩm vật khác của đất trời xứ này, tạo thành các món ăn vặt, góp phần nuôi dưỡng và định hình nên cái chất Việt trong tâm hồn mỗi chúng ta.

Trần Tiến Dũng
Kimmymart.vn